10 năm một địa chỉ sinh hoạt dã ngoại

TT – Suốt 10 năm qua Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP.HCM không chỉ là cái tên quen thuộc mà còn là địa chỉ được nghĩ đến cho những buổi tập huấn, sinh hoạt đông người, rèn luyện kỹ năng.

Các hoạt động dã ngoại, băng rừng ngập mặn, lội bùn kết hợp rèn luyện kỹ năng tại trung tâm luôn thu hút đông đảo bạn trẻ – Ảnh: Q.L.

Thừa hưởng một không gian xanh giữa rừng ngập mặn tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, cũng là “lá phổi xanh” của TP.HCM, trung tâm còn được nhắc đến vì đó chính là công trình được hình thành bởi sự đóng góp của lớp lớp thanh thiếu niên thành phố từ những ngày đầu.

Công trình của tuổi trẻ

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường cho rằng điều đầu tiên phải khẳng định khi nhắc về trung tâm này không gì khác hơn đây chính là công trình ghi dấu ấn đậm nét sự góp sức của đoàn viên thanh niên thành phố.

Từ nhu cầu cần có một nơi để tổ chức các hoạt động sinh hoạt, dã ngoại tập trung, vừa để rèn luyện sức khỏe vừa có thể tìm hiểu kiến thức truyền thống mà trung tâm này được khai sinh.

Sau khi lãnh đạo thành phố đồng thuận, Đại hội Đoàn TP.HCM lần thứ VII (nhiệm kỳ 2001-2005) đã quyết định chọn Cần Giờ – huyện biển duy nhất của TP.HCM – làm địa điểm xây dựng trung tâm.

Một phần kinh phí hỗ trợ của Ủy ban MTTQ thành phố, phần lớn còn lại trong tổng kinh phí đầu tư ban đầu khoảng 17 tỉ đồng vào thời điểm ấy được huy động từ đóng góp của tuổi trẻ thành phố.

Ngay sau khi khởi công vào tháng 3-2003, bốn đợt bán vé số gây quỹ mà phần thu được sau khi trả thưởng cho người trúng giải phần tượng trưng thì tất cả đều dồn thành quỹ xây dựng trung tâm.

Đó còn là những đêm diễn văn nghệ được tổ chức quy mô, có bán vé mà các khoản thu được sau đêm diễn cũng dành làm kinh phí xây dựng công trình.

Nhiều cơ sở Đoàn ngoài việc phát hành vé số còn tự tổ chức các đêm diễn, vận động nguồn lực từ các mối quan hệ chỉ với mục tiêu trung tâm sớm được đưa vào sử dụng.

“Lúc đó không chỉ có đóng góp trực tiếp bằng tiền, mua vé số hay diễn văn nghệ gây quỹ, nhiều đội hình của các cơ sở Đoàn còn đóng góp bằng những ngày công lao động trực tiếp trên công trường xây dựng trung tâm nữa” – anh Nguyễn Mạnh Cường nhớ lại.

Một số đơn vị còn ủng hộ thiết bị cho trung tâm sau khi hoàn thành. Người góp của, người góp công và sau rất nhiều nỗ lực thì tháng 3-2005, Trung tâm Sinh hoạt dã ngoại thanh thiếu nhi TP.HCM tại Cần Giờ chính thức khánh thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác, sử dụng đến nay.

Nhìn về tương lai

Công bằng mà nói chỉ vài năm trở lại đây, khi con đường từ phà Bình Khánh về trung tâm huyện Cần Giờ hoàn thành, đoạn đường từ thành phố đến trung tâm chừng 60km mới thật sự bớt vất vả.

Tuy vậy, thống kê cho thấy mỗi năm trung tâm vẫn đón vài chục đoàn khách, có năm đỉnh điểm đón đến 99 đoàn, có năm số khách vượt con số 10.000 lượt đến lưu trú và tổ chức hoạt động. Điều đó cũng giúp doanh thu của đơn vị tăng dần đều, năm sau cao hơn năm trước.

Phó giám đốc phụ trách trung tâm Nguyễn Đăng Phúc cho biết dù giá cả có tăng trong thời gian qua nhưng trung tâm vẫn cố gắng không tăng giá, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ để có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách.

“Cao điểm phục vụ của trung tâm thường rơi vào các ngày cuối tuần. Có những thời điểm như năm 2011, 2012 hầu như tất cả các ngày cuối tuần trung tâm đều kín lịch, anh em cán bộ, nhân viên đều hoạt động hết công suất” – anh Phúc nói.

Từ thành quả 10 năm ấy, Đại hội Đoàn thành phố lần IX (nhiệm kỳ 2012-2017) xác định hướng đến phát triển thành Trung tâm huấn luyện kỹ năng cho thanh thiếu niên thành phố trong giai đoạn 2.

Trong đó có việc quan tâm đào tạo, trang bị kỹ năng thực hành xã hội, đặc biệt chú trọng kỹ năng sinh hoạt dã ngoại cho đoàn viên thanh niên. Anh Nguyễn Đăng Phúc thông tin hiện trung tâm đã triển khai một số chương trình huấn luyện kỹ năng như: dã ngoại, thoát hiểm nhà cao tầng, làm việc nhóm.

Ngoài ra còn có những trò chơi giúp rèn luyện ý chí vượt qua thử thách, khó khăn và nguy hiểm cho thanh thiếu nhi như: đi thăng bằng trên dây, đu dây bằng ròng rọc, leo tường… khá hút khách đến sinh hoạt tại đây.

Bí thư Thành đoàn Nguyễn Mạnh Cường cho biết hiện đã bàn thảo xong phương án với huyện Cần Giờ và huyện cũng đã xác định khu đất để trung tâm mở rộng quy mô xây dựng giai đoạn 2.

“Theo tính toán, ngân sách thành phố sẽ chỉ hỗ trợ phần đầu tư xây dựng cơ bản, còn việc đầu tư trang thiết bị để có thể khai thác, vận hành trung tâm giai đoạn 2 sẽ huy động theo phương thức xã hội hóa. Hiện đã có một vài đơn vị đặt vấn đề đầu tư và cùng khai thác nên giai đoạn 2 sẽ không huy động sự đóng góp của đoàn viên thanh niên thành phố như khi bắt đầu xây dựng trung tâm nữa” – anh Cường thông tin.

Kỳ vọng sẽ tốt hơn

Chị Minh Hiền (Q.5) nói vài lần tham gia hoạt động tại đây và dù biết trung tâm đã nỗ lực song theo chị vẫn còn có thể làm tốt hơn.

“Bây giờ đã có đường ống dẫn nước sạch xuống tới Cần Giờ rồi, đường đi cũng thuận lợi nên có thể tính toán lại sao cho giá cả hợp lý hơn. Trung tâm nên đầu tư thêm các hoạt động dã ngoại, băng rừng, những hoạt động gần gũi với thiên nhiên nữa thì tôi nghĩ sẽ hút khách hơn” – chị Hiền chia sẻ.

Theo anh Nguyễn Đăng Phúc, do đây là công trình được tạo nên bởi sự chung sức đóng góp của tuổi trẻ thành phố nên đối với các đoàn khách của các cơ sở Đoàn, Hội, Đội của thành phố lúc nào trung tâm cũng giảm giá 15 – 20% cùng nhiều ưu đãi khác.

“Trung tâm đã vận hành năm tuyến tham quan, huấn luyện đời sống dã ngoại trong rừng ngập mặn và rất được du khách ủng hộ thời gian qua. Chúng tôi lồng ghép trong đó nội dung bảo vệ thiên nhiên, rừng ngập mặn và việc “học từ thiên nhiên” đến với mọi người một cách nhẹ nhàng như thế” – anh Phúc cho biết.

Quốc Linh

Trích nguồn: Nhịp sống trẻ – Tuổi Trẻ Online